...

[HICAC 2024] Hội thảo Trọng tài Xây dựng Quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2024

01 Tháng 8, 2024

Sáng 25/04, Hội nghị Trọng tài Xây dựng Quốc tế TP.HCM năm 2024 (HICAC 2024) đã chính thức khai mạc. Hội nghị do Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Khoa Luật quốc tế Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (ULAW), với chủ đề xuyên suốt "Hợp đồng Xây dựng và Trọng tài quốc tế: Khi các truyền thống pháp luật có sự xung đột".

Ảnh toàn thể

Tiếp nối thành công của HICAC 2023, Hội nghị Trọng tài Xây dựng Quốc tế TP.HCM tiếp tục được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, những người làm thực tiễn cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực của doanh nghiệp cũng như quốc gia của mình trong việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng. Bên cạnh đó, hội nghị cũng là dịp để các chuyên gia kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 40 chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, với chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự góp mặt của gần 200 đại biểu là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, các tổ chức trọng tài, tổ chức giải quyết tranh chấp tại Việt Nam và trong khu vực, đại diện đến từ doanh nghiệp, công ty luật, các cơ sở đào tạo và đơn vị báo chí, truyền hình trên địa bàn thành phố.

Ông Vũ Ánh Dương - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Ánh Dương - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết VIAC cùng SCLVN và ULAW mong muốn đem lại một chuỗi trao đổi, thảo luận chuyên môn, để cùng nhau tìm hiểu các giao dịch và tranh chấp về xây dựng.  

Trong các dự án xây dựng quốc tế, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với sự đa dạng hệ thống pháp luật, truyền thống pháp lý và sự giao thoa giữa những phong cách tranh tụng từ nhiều nền tài phán khác nhau. Thoạt nhìn, hệ thống Pháp luật Thông luật (Common Law) và truyền thống pháp luật Dân luật (Civil Law) có thể bị đánh giá là khác biệt ở nhiều điểm. Một bên theo truyền thống này có thể ngần ngại và không mấy hào hứng do lo ngại về những khác biệt của hệ thống pháp luật khác.

Tuy vậy, sự đa dạng và khác biệt lại luôn là động lực thúc đẩy phát triển, các truyền thống pháp lý đã và đang phát triển để phản ánh tốt hơn các nguyên tắc cơ bản của mình đồng thời hấp thụ những ưu việt của truyền thống còn lại, đặc biệt trong bối cảnh thực tiễn luôn biến đổi sinh động và toàn cầu hóa đã xóa nhòa ranh rới địa lý.

Theo ông Vũ Ánh Dương, Việt Nam được đánh giá là đang có sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng, và chúng ta không thể bỏ qua những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực đầy tiềm năng và năng động này.

Ông Vũ Ánh Dương cho biết thêm, tại VIAC, khoảng 20% các vụ việc mới mỗi năm là các vụ việc phát sinh trong hoạt động xây dựng và chiếm hơn 90% tổng giá trị tranh chấp hàng năm. Giải quyết tranh chấp Trọng tài xây dựng, đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn, luôn đòi hỏi chuyên môn sâu và kinh nghiệm của các đối tượng liên quan. Yêu cầu này không chỉ đặt ra đối với các Trọng tài viên, Luật sư của các Bên mà còn cả đội ngũ nhân sự của tổ chức trọng tài trong việc tổ chức và điều phối quá trình giải quyết tranh chấp.

“VIAC tự tin là một tổ chức có đủ khả năng trong việc điều phối và giải quyết tranh chấp phức tạp thuộc các lĩnh vực, đặc biệt là tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”: ông Vũ Ánh Dương khẳng định.

Ảnh phiên thảo luận

Tại HICAC 2024, các diễn giả tại phiên toàn thể cùng thảo luận về vấn đề “Xung đột dân luật và thông luật trong hợp đồng xây dựng quốc tế: Câu chuyện từ những trọng tài viên quốc tế” và vấn đề “Tính bảo mật và tính minh bạch trong Trọng tài xây dựng quốc tế: Chia sẻ từ các Trung tâm Trọng tài”. Với sự tham gia của đại diện đến từ các tổ chức trọng tài, tổ chức giải quyết tranh chấp trọng điểm trong khu vực, các thông tin đa chiều được đưa ra tại phiên này đã giúp người tham dự có bức tranh toàn cảnh về sự đa hệ thống pháp luật điều chỉnh hợp đồng xây dựng và trọng tài quốc tế.

Ảnh Hội thảo

Bên cạnh phiên toàn thể, Hội nghị còn bao gồm các phiên thảo luận chuyên sâu được tổ chức xoay quanh chủ đề xung đột pháp luật trong trọng tài quốc tế, bao gồm: “Một số điều khoản có thể gây xung đột trong các Hợp đồng Xây dựng Quốc tế”; “Giao thoa giữa các truyền thống Pháp luật trong Trọng tài Quốc tế”; “Kinh nghiệm Sử dụng Chuyên gia trong Trọng tài Xây dựng” và “Bên Thứ ba trong Tố tụng Trọng tài”.

Hướng tới là sự kiện trọng điểm tại Việt Nam, HICAC được kỳ vọng sẽ trở thành diễn đàn ngày càng có quy mô lớn, chất lượng, đồng thời trở thành điểm kết nối tri thức của cộng đồng trong nước và quốc tế về Trọng tài Xây dựng.


Tải về Kỷ yếu Hội thảo Trọng tài Xây dựng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh tại đây.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI